Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Cách ngừa rụng tóc khi mang thai

Khi mang thai, cơ thể bạn sẽ có nhiều thay đổi như nổi mụn, giãn tĩnh mạch ở mặt và ngực, rám má, rạn da, tóc mọc nhanh, dày lên hoặc ngược lại, tóc bị rụng nhiều và mỏng đi... Hiện tượng rụng tóc khi mang thai là một trong những dấu hiệu thay đổi hoàn toàn bình thường của cơ thể. Có nhiều nguyên nhân gây nên rụng tóc, bạn đừng quá lo lắng bởi đôi khi sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai cùng với nỗi lo rụng tóc (stress) cứ ám ảnh bạn làm tóc rụng nhiều hơn.

Rụng tóc, dấu hiệu thay đổi của cơ thể khi mang thai

Theo chu kỳ tự nhiên, từ nang tóc mọc lên, dài ra (trong khoảng 3-5 năm) già đi, rồi rụng. Trên đầu ta có khoảng 100-150 ngàn nang tóc. Mỗi nang tóc có thể mọc và rụng tới 20 lần. Mức độ rụng tóc trung bình mỗi ngày có 50 sợi tóc rụng là bình thường; từ trên 100 sợi/ngày hoặc có khi chỉ vuốt nhẹ mà tóc rơi ra dễ dàng từng búi là hiện tượng rụng tóc do bệnh lý. Ở phụ nữ mang thai, do thay đổi nội tiết tố, do cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, thiếu vitamin, thiếu máu da đầu... dẫn đến hiện tượng rụng tóc nhiều hơn người bình thường (có thể thấy ở khoảng 30-50% phụ nữ mang thai). Khi mang thai bạn có thể gặp chứng rụng tóc từ 1-5 tháng đầu của thai kỳ và cũng có thể kéo dài đến khoảng thời gian sau sinh. Điều đó là hoàn toàn bình thường.

Yếu tố tâm lý (lo âu căng thẳng) cũng là nguyên nhân gây rụng tóc.

Nguyên nhân gây rụng tóc

Khi mang thai, hàm lượng estrogen tăng có khả năng tác động đến tóc của bạn; làm thúc đẩy quá trình trao đổi chất, gây xáo trộn môi trường da đầu, những nang tóc bị thoái hóa không nuôi nổi tóc và làm rụng tóc. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng không cân đối trong những tháng đầu của thai kỳ do ốm nghén, chán ăn... hoặc do việc bổ sung vitamin khi mang thai cũng là nguyên nhân gây rụng tóc.

Thiếu protein, tóc chậm phát triển; thiếu vitamin A, vitamin C, sự tổng hợp collagen (để hình thành biểu mô) bị giảm sút, da đầu sẽ không tốt; thiếu sắt, acid folic sẽ gây thiếu máu không nuôi được da đầu khiến tóc khô, giòn và dễ gãy; thiếu kẽm, nang tóc kém phát triển... Chính vì vậy, cần ăn đủ chất và vi chất dinh dưỡng. Khi khẩu phần ăn thiếu hoặc cơ thể không hấp thu được đủ các chất trên thì phải bổ sung bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Một nguyên nhân khác ngày nay cũng khá phổ biến là do bạn thường xuyên uốn nhuộm tóc, do dầu gội đầu, do dùng thuốc,... yếu tố tâm lý cũng là nguyên nhân gây rụng tóc. Nhiều khi do lo âu, căng thẳng mà tóc rụng nhiều.

Cách khắc phục rụng tóc khi mang thai

Tóc rất nhạy cảm với cả tác nhân bên trong và bên ngoài cơ thể. Chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất có tác dụng rất lớn trong việc phòng ngừa bệnh rụng tóc. Tóc rất cần các chất như protein, sắt, canxi, vitamin C, các acid béo omega-3 và kẽm. Mặt khác, trong thời gian mang thai, cơ thể bạn có thể thiếu hụt chất sắt, thiếu hụt canxi, do đó bạn cần đi khám thai định kỳ để được bổ sung theo đơn của bác sĩ. Cải thiện trạng thái tinh thần, giảm căng thẳng, bớt lo lắng cũng giúp giảm rụng tóc. Ngủ đủ giấc, tập thể dục nhẹ nhàng phù hợp giúp máu lưu thông tốt hỗ trợ việc mọc tóc. Chọn dầu gội thích hợp và chất lượng tốt. Khi chải đầu, bạn nên gỡ tóc rối một cách nhẹ nhàng bằng tay hoặc dùng lược răng thưa. Tránh chải tóc mạnh và sử dụng máy sấy nhiệt độ cao khiến tóc khô, giòn dễ gãy.

Nếu bạn biết cách chăm sóc tóc và luôn thực hiện một chế độ ăn uống khoa học, cân bằng ngay từ khi mang thai thì hiện tượng rụng tóc sẽ được cải thiện đáng kể. Tóc có thể rụng nhưng sau đó sẽ mọc lại nhanh chóng và bạn sẽ có một lớp tóc mới khỏe hơn, đẹp hơn. Rụng tóc có thể kéo dài đến khoảng thời gian sau sinh 3-7 tháng. Nếu sau đó lượng tóc vẫn rụng nhiều thì bạn nên tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.

BS. Nguyễn Tố Ngân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tư vấn truyền hình trực tiếp “Bảo vệ bé khỏe mạnh trong mùa đông xuân”

Mời các bạn theo dõi buổi tư vấn truyền hình trực tiếp Trong thời tiết lạnh ẩm, cả người lớn và trẻ đều dễ mắc các bệnh đường hô hấp, nhưng ...